Using Hand Sanitizers - Vietnamese
ID
FST-421NP
Giới thiệu
Từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, một trong những lời khuyên của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) là rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi: chạm vào bất kỳ bề mặt nào (ví dụ: nắm cửa, xe đẩy ở siêu thị, v.v.), ho, hắt hơi và ăn uống.
Mặc dù CDC đề nghị các dung dịch sát khuẩn tay nên chứa cồn, nhưng vẫn có loại không chứa cồn đang lưu hành trên thị trường. Do đó, việc chọn đúng sản phẩm sát khuẩn tay có thể khó khăn. Hướng dẫn này nhằm mục đích cung cấp thông tin về những loại sát khuẩn tay khác nhau và các hóa chất được sử dụng để sản xuất chúng.
Khi nào nên sử dụng dung dịch sát khuẩn tay? Cần, hay không cần rửa tay sau khi dùng dung dịch sát khuẩn?
CDC khuyến cáo rửa tay bằng nước sạch và xà phòng là lựa chọn tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của vi trùng, và bảo vệ người khác. Rửa tay đúng cách (xem video Rửa tay đúng cách - tuyến phòng thủ đầu tiên) sẽ làm giảm số lượng vi trùng và bụi bẩn từ bàn tay của bạn. Dùng dung dịch sát khuẩn tay sau khi rửa tay, sẽ làm giảm thêm một lượng vi trùng nữa. Chất sát khuẩn tay có cồn không thể thay thế cho việc rửa tay.
Nếu tay bạn không được rửa đúng cách, dung dịch sát khuẩn tay sẽ không hiệu quả. Bởi vì các hóa chất trong sản phẩm – thành phần hoạt tính - sẽ liên kết với bụi bẩn, và không tiêu diệt vi trùng (đây là lý do tại sao phải làm sạch trước, sau đó sát khuẩn). Rửa tay sẽ giúp loại bỏ, hoặc giảm hóa chất, kim loại và một số vi trùng mà chất sát khuẩn tay không làm được. Nếu bạn không thể rửa tay, thì chất sát khuẩn tay là một lựa chọn tốt hơn là không có gì, sau đó nên rửa tay khi có thể càng sớm càng tốt.
Một số loại sát khuẩn tay (rửa tay khô) trên thị trường
Chú ý đến danh sách thành phần và hướng dẫn cách dùng sản phẩm sát trùng tay. Có vài loại sát khuẩn tay phổ biến - ví dụ, gel, bọt, kem, thuốc xịt, khăn lau, v.v. (Hình 1). Khi mua dung dịch sát khuẩn tay, trước tiên hãy đọc nhãn và xác định thành phần hoạt chất (ví dụ: cồn /ethanol, cồn isopropyl) và tỷ lệ phần trăm của nó. CDC khuyến nghị sử dụng chất sát khuẩn tay có cồn có ít nhất 60% hoặc tối đa 95%.
Đọc và làm theo những hướng dẫn để sát khuẩn đôi tay bạn đúng cách. Ví dụ, một số sản phẩm sát khuẩn chỉ định chỉ cần bỏ vừa đủ để che hoàn toàn bàn tay của bạn, trong khi đó, có loại cần chà xát cho đến khi bàn tay cảm thấy khô. Điều quan trọng là để cho chất sát khuẩn khô; nếu bạn rửa hoặc lau sạch chất sát khuẩn trước khi khô, có thể làm giảm hiệu quả của nó (vì hầu hết các chất sát trùng cần thời gian để tiêu diệt vi khuẩn, được gọi là "thời gian tiếp xúc"). Khi sử dụng khăn lau ướt (ẉipe), cần chú ý chỉ sử dụng khăn lau sát khuẩn tay (hand sanitizer wipe); các loại khăn ướt khác có thể chứa những hóa chất mạnh để khử trùng các bề mặt cứng và không xốp, nhưng không dùng được trên tay. Ví dụ, khăn lau Clorox chỉ dùng trên các bề mặt đồ dùng, không dùng để sát khuẩn đôi tay. Thông tin này sẽ được bao gồm trên nhãn sản phẩm.
Các loại chất sát khuẩn tay khác (không chứa cồn)
CDC không khuyến khích sử dụng dung dịch sát khuẩn tay không chứa cồn. Tuy nhiên, một thành phần hoạt chất phổ biến của chất sát khuẩn không chứa cồn là benzalkonium chloride. Sản phẩm sát khuẩn tay không cồn chứa benzalkonium chloride được bán hợp pháp trên thị trường vì nó đáp ứng các yêu cầu do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đặt ra. Như đã đề cập trước đây, nó không được khuyến khích bởi CDC.
Thu hồi chất sát khuẩn tay và những nguy hiểm tiềm ẩn: Không phải tất cả đều giống nhau
Kể từ tháng 6 năm 2020, FDA đã thu hồi một số chất sát khuẩn tay vì những lý do khác nhau.
Một số bị thu hồi do chứa methanol (cồn methyl) và/hoặc n-propanol (cồn 1-propanol). Hai loại cồn này gây độc hại cho con người khi tiếp xúc với da. Một số khác có khả năng bị thu hồi do hình dáng và kiểu trình bày dễ tạo hiểu lầm, khiến người tiêu dùng có thể vô tình ăn
hoặc uống phải. Ví dụ, những sản phẩm sát khuẩn tay trông giống như một lon nước giải khát, chai nước, túi thức ăn của trẻ sơ sinh, v.v.) (Hình 2).
Ngoài ra, một số sản phẩm nhiễm khuẩn do không được sản xuất đúng cách. Ví dụ, một sản phẩm sát khuẩn tay nhiễm Burkholderia , một loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng (trên da, mô mềm, phổi hoặc máu). Đây là một loại nước sát khuẩn tay không chứa cồn
Do việc thu hồi chất sát khuẩn tay tăng cao, FDA đã cung cấp danh sách các sản phẩm bạn KHÔNG nên sử dụng. Danh sách này sẽ giúp người tiêu dùng kiểm tra xem dung dịch sát khuẩn tay mà họ muốn mua để xài đã bị thu hồi chưa. Nếu bạn có dung dịch sát khuẩn tay tại nhà đã bị thu hồi, bạn nên liên hệ với Sở Y Tế địa phương, hoặc dịch vụ thu gom rác để xử lý đúng cách (vì đó là chất thải nguy hại). FDA khuyến cáo không đổ, trộn các loại chất sát khuẩn với nhau, hoặc sử dụng rác thông thường để xử lý một sản phẩm bị thu hồi, vì nó có thể được thu thập và sử dụng bởi một cá nhân khác.
Tự làm sát dung dịch sát khuẩn tay
FDA không khuyên người tiêu dùng tự làm chất khử trùng tay. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có hướng dẫn cách để tự làm dung dịch sát trùng tay. WHO khuyến cáo sử dụng ethanol hoặc rượu isopropyl, hydrogen peroxide và glycerol (Bảng 1). Nếu theo đúng hướng dẫn, các sản phẩm cuối cùng sẽ có nồng độ cồn khuyến cáo của CDC (trên 60%). Điều quan trọng là chỉ sử dụng loại cồn an toàn cho người (ví dụ: cồn bạn mua từ hiệu thuốc, cửa hàng rượu, v.v.). Dựa trên các công thức này, hỗn hợp cuối cùng sẽ vẫn là chất lỏng. WHO không khuyến khích sử dụng nó như một loại gel, bọt hoặc bình xịt. Một chất khử trùng tay dạng gel hoặc bọt có thể cần các thành phần hoặc dụng cụ khác, do đó, làm giảm chất lượng và hiệu quả của sản phẩm. Thêm chất tạo màu, thuốc nhuộm và / hoặc nước hoa, thường không được khuyến khích, vì nó có thể dẫn tới việc vô tình nuốt phải, giảm hiệu quả tiêu diệt vi trùng và hoặc dị ứng da. Khi tự làm dung dịch sát trùng tay, hãy dán nhãn chai với thành phần hóa chất và ngày bạn chuẩn bị hỗn hợp. Giữ chai an toàn và ngoài tầm với, như một cách để tránh bất kỳ sự rủi ro ăn phải (ví dụ: bởi một đứa trẻ, một con vật, v.v.).
Tham khảo
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). 2020. Điều cần biết khi sử dụng dung dịch sát khuẩn tay. Cập nhật lần cuối: 04/11/2020. Nguồn:
https://www.cdc.gov/handwashing/hand-sanitizer-use.html
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Hướng dẫn tạm thời cách dùng các chất có cồn làm nước sát trùng tay cho các ngành công nghiệp trong trường hợp khẩn cấp. Cập nhật lần cuối: 10 Tháng hai, 2021. Nguồn: https://www.fda.gov/regulatory-information/search-fda-guidance-documents/policy-temporary-compounding-certain-alcohol-based-hand-sanitizer-products-during-public-health
FDA. 2021. FDA cập nhật những chất sát khuẩn tay người tiêu dùng không nên sử dụng. Cập nhật lần cuối: 04/10/2021. Nguồn: https://www.fda.gov/drugs/drug-safety-and-availability/fda-updates-hand-sanitizers-consumers-should-not-use#products
FDA. 2021. Nước rửa tay của bạn có nằm trong danh sách các sản phẩm không nên sử dụng không? Nguồn: https://www.fda.gov/consumers/consumer-updates/your-hand-sanitizer-fdas-list-products-you-should-not-use
Jing, J.L.J.; Pei Yi, T.; Bose, R.J.C.; McCarthy, J.R.; Tharmalingam, N.; Madheswaran, T. Hand Sanitizers: Đánh giá về các khía cạnh công thức, tác dụng phụ và quy định. J. Environ. Res. Sức khỏe cộng đồng 2020, 17,3326. https://doi.org/10.3390/ijerph17093326
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 2010. Hướng dẫn sản xuất tại địa phương: Công thức chà tay do WHO khuyến nghị. Sửa đổi vào tháng 4 năm 2010. Nguồn:
https://www.who.int/gpsc/5may/Guide_to_Local_Production.pdf
Tài liệu bổ sung
Rửa tay đúng cách – tuyến phòng thủ đầu tiên. Virginia Tech. Nguồn:
https://www.youtube.com/watch?v=G7M0vo5NkzE
Làm sạch, sát khuẩn, khử trùng và tiệt trùng. Sự khác biệt là gì? FST 386NP. Nguồn:
https://resources.ext.vt.edu/contentdetail?contentid=3198&contentname=Cleaning,%20Sanitizing,%20Disinfecting,%20and%20
Sterilizing.%20What%27s%20the%20difference%3F
Lời cảm tạ
Công việc này được hỗ trợ bởi Chương Trình Tài Trợ Sáng Kiến Nghiên Cứu Nông Nghiệp và Thực Phẩm A4131 (cấp số 2020-68003-32876, "Tổng hợp khái quát những vấn đề cung cấp thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn trong dịch COVID-19” của Viện Lương thực và Nông nghiệp Quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (U.S. Department of Agriculture’s National Institude of Food and Agriculture).
Virginia Cooperative Extension materials are available for public use, reprint, or citation without further permission, provided the use includes credit to the author and to Virginia Cooperative Extension, Virginia Tech, and Virginia State University.
Virginia Cooperative Extension is a partnership of Virginia Tech, Virginia State University, the U.S. Department of Agriculture, and local governments. Its programs and employment are open to all, regardless of age, color, disability, sex (including pregnancy), gender, gender identity, gender expression, genetic information, ethnicity or national origin, political affiliation, race, religion, sexual orientation, or military status, or any other basis protected by law.
Publication Date
February 25, 2022